Tác động của dịch Covid-19 tới tình hình thu hút đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Long An
Trong 4 tháng đầu năm 2020 tình hình thu hút đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Long An giảm đáng kể. Cụ thể: Về đăng ký kinh doanh có 451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 5.193 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 19% về số lượng, giảm 46% về vốn đăng ký. Về đăng ký đầu tư cấp mới 41 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký là 6.515 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 54 dự án và giảm 53 tỷ đồng về vốn; 34 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký là 224 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 05 dự án và tăng 120 triệu USD về vốn. Điều này cho thấy những ảnh hưởng đang ngày một rõ rệt của dịch Covid-19 đến tình hình thu hút đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trong đợt dịch đầu tiên khi chỉ có 16 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam, trong 02 tháng đầu năm 2020, tình hình doanh nghiệp thành lập mới có giảm so với cùng kỳ nhưng không cao, cụ thể: Lũy kế 2 tháng đầu năm thành lập mới 202 doanh nghiệp, với tổng số vốn 1.532 tỷ đồng; so với cùng kỳ giảm 1,46% về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm 54% về vốn đăng ký. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng từ tháng 3 đến nay đã làm ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo đó, trong tháng 03-04/2020 số doanh nghiệp thành lập mới là 249 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 3.661 tỷ đồng, giảm 29,66% về số doanh nghiệp và chỉ tăng 8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. Có thể thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm này đã bị ảnh hưởng đáng kể. Tâm lý của các nhà đầu tư chịu tác động lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều người tỏ ra e ngại và thận trọng trong việc đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp do lo lắng về việc phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạndoanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh, chờ giải thể hay giải thể doanh nghiệp ở thời điểm này. Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn, chờ giải thể và giải thể. Lũy kế 4 tháng đầu năm, đã giải thể 82 doanh nghiệp, tăng 49% so với cùng kỳ; tạm ngừng kinh doanh 171 doanh nghiệp, tăng 39% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 03 và 04/2020 đã giải thể 35 doanh nghiệp, tăng 46% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 48 doanh nghiệp, tăng 66% so với cùng kỳ. Dựa trên hồ sơ thông báo giải thể của doanh nghiệp cho thấy lý do doanh nghiệp giải thể trong giai đoạn này vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là 70%, lý do doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là 91%. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh so với cùng kỳ giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể của doanh nghiệp.Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể tăng cao như: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Dịch vụ việc làm; Du lịch; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Vận tải kho bãi; Giáo dục và đào tạo...

Trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm trên phạm vi toàn cầu nhưng chưa biết điểm dừng. Và, tại Việt Nam dịch bệnh cơ bản đã được đẩy lùi. Thế nhưng, nền kinh tế hiện thời là nền kinh tế toàn cầu hóa, giao thương mở rộng và liên kết chặt chẽ với thế giới. Không là ngoại lệ, Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng toàn diện tới nền kinh tế, cùng lúc chịu tác động kép, cả từ phía cung và cầu, tác động đến tất cả các thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng rõ ràng nhất, sức ép về cạnh tranh, thanh lọc ngày càng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp nhìn rõ những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình, rà soát lại định hướng hoạt động, cơ cấu quản trị, tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa mà Chính phủ đưa ra nhằm mục đích miễn giảm thuế, phí, đặc biệt là giãn thời gian nộp thuế cho các doanh nghiệp cũng như các gói hỗ trợ an sinh xã hội đã và đang được triển khai quyết liệt, kịp thời, đúng đối tượng. Các doanh nghiệp cần nhạy bén tận dụng sự hỗ trợ từ Nhà nước kết hợp với sự vận động tự thân nắm bắt ngay những thời cơ mới sẽ sớm vực dậy, phục hồi và dần phát triển trở lại./.

 

Trần Thị Ánh Hồng


Trần Thị Ánh Hồng
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1