Hội nghị sơ kết sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2016-2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2017
Ngày 18/4/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2016 - 2017 và triển khai Kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2017. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh dự và chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy diện tích lúa đông xuân 2016-2017 gieo sạ ước đạt 234.292 ha/KH 231.400 ha, tăng 1.812 ha so so vụ đông xuân 2015–2016; diện tích thu hoạch ước đạt 234.121 ha; diện tích bị mất trắng là 171 ha tập trung tại huyện Cần Giuộc, nguyên nhân do ngập úng. Năng suất ước đạt 57,8 tạ/ha, giảm 3,8 tạ/ha so với vụ đông xuân 2015 - 2016. Sản lượng ước đạt 1.352.377 tấn, giảm 54.080 tấn so vụ đông xuân 2015- 2016. Về tình hình sâu bệnh, vụ đông xuân 2016-2017 xuất hiện một số đối tượng dịch hại đáng chú ý như: Ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, rầy nâu, sâu năn, đạo ôn cổ bông,…. đặc biệt là sâu năn xuất hiện và gây hại mạnh vào cuối vụ. Tuy nhiên, nhờ chủ động ngay từ đầu nên giảm diện tích thiệt hại.
Về xây dựng cánh đồng lớn: vụ đông xuân 2016 – 2017 đã triển khai thực hiện 68 lượt cánh đồng, tổng diện tích 19.861 ha/KH là 18.300 ha, gồm 16 doanh nghiệp và 8.141 hộ tham gia (tăng 25 cánh đồng và tăng 4.415 ha so với vụ đông xuân năm 2015/2016). Lợi nhuận từ 15-15,5 triệu đồng/ha, cao hơn từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài.
Nhìn chung, sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017 phải đối phó với các diễn biến bất thường của thời tiết và sinh vật gây hại. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các ngành chuyên môn công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được tăng cường kịp thời hỗ trợ nông dân các giải pháp ứng phó nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại cho sản xuất. Nhiều chủ trương đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và đang đi vào đời sống. Các chương trình "Cánh đồng lớn", "Cùng nông dân ra đồng", Chương trình lúa chất lượng cao, Chương trình hỗ trợ giống cây trồng, ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng VietGAP.v.v….đã phát huy tác dụng, kích thích nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nông dân tham gia. Một số mô hình có hiệu quả ngày càng nhân rộng và phát triển như: "3 giảm 3 tăng"; "1 phải 5 giảm"; Mô hình ứng dụng công nghệ cao; Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại (mô hình ruộng lúa bờ hoa)… giúp nông dân tăng lợi nhuận, giảm được lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật….
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như sau:
- Thị trường tiêu thụ nông sản biến động trong vụ, một số sản phẩm chính: mía, mè tiêu thụ không thuận lợi, nông dân sản xuất không có lời. Riêng cây thanh long, chanh giá cao nông dân sản xuất được lợi nhuận.
- Một số địa phương công tác chỉ đạo, kiểm tra chưa được quan tâm sâu sát nên diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch cao, đây là nguy cơ tiềm ẩn đe dọa rất lớn, cần phải quản lý chặt chẽ trong thời gian tới.
- Việc tổ chức lại sản xuất còn hạn chế, ý thức liên kết nông dân chưa cao, một số tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động kém hiệu quả đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
- Việc nhân rộng các cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản diễn ra chậm, tỷ lệ còn thấp so với diện tích gieo trồng của tỉnh.
- Hệ thống thuỷ lợi nội đồng, hệ thống đê bao lửng vùng Đồng Tháp Mười chưa hoàn thiện, nên chưa chủ động trong sản xuất, chưa chủ động trong bố trí thời vụ,…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh yêu cầu trong vụ hè thu 2017 phải thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất là 3 tuần để đất có thời gian nghỉ, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động và rơm rạ được phân hủy, tránh bị ngộ độc hữu cơ khi sạ lúa hè thu; xác định thời gian gieo xạ hợp lý; cơ cấu giống ngoài ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn; tăng cường quản lý phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; tăng cường hoạt động khuyến nông và bảo vệ thực vật; chủ động quản lý nguồn nước phục vụ cho sản xuất, trong đó cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn. Kiểm tra thường xuyên các công trình thủy lợi và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống phục vụ tốt cho việc ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Kiểm tra theo dõi tình hình hạn, xâm nhập mặn, xác định vùng thường xuyên thiếu nước để có hướng giải quyết. Đồng thời chủ động các phương án tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn bất thường... Đồng thời đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình đột phá của tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.
Nguyễn Tấn Quí