Quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan nhà nước
25/07/2016
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu; Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 và thay thế Nghị định số 58/2001/NĐ-CP về việc quản lý và sử dụng con dấu và Nghị định số 31/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu.
Theo đó, Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, tổ chức khác được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và chức danh nhà nước; áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có liên quan đến việc quản lý và sử dụng con dấu.
Nghị định này không điều chỉnh đối với: Quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp được đăng ký, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư; Dấu tiêu đề; dấu ngày, tháng, năm; dấu tiếp nhận công vãn; dấu chữ ký.
Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Làm giả con dấu, sử dụng con dấu giả; mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng; cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung mẫu con dấu đã đăng ký; không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu; mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động; chiếm giữ trái phép, chiếm đoạt con dấu; sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu; làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu; đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền...
Thanh Thuận
Thái Thanh Thuận