Giới thiệu chung

Lịch sử hình thành và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long an

Ngày 8 tháng 10 năm 1955, Hội đồng Chính phủ họp quyết định thành lập Ủy ban Kế hoạch Quốc gia được xác định là ngày thành lập Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngược trở lại lịch sử, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, ngày 31 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết nhằm nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ một kế hoạch kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, xã hội và văn hóa. ủy ban gồm các ủy viên là tất cả các Bộ trưởng, Thứ trưởng, có các Tiểu ban chuyên môn, được đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Chính phủ. Vì vậy, trong buổi lễ ngành Kế hoạch và Đầu tư đón nhận Huân chương Sao Vàng được tổ chức tại Hội trường Ba Đình lịch sử ngày 4 tháng 11 năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã khẳng định lấy ngày 31 tháng 12 năm 1945 là ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Kể từ đây ngành Kế hoạch và Đầu tư coi ngày 31 tháng 12 hằng năm là ngày truyền thống chính thức của ngành.

Sau khi thống nhất đất nước, ngày 03/3/1976, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Long An ban hành quyết định thành lập Ủy ban kế hoạch tỉnh. Ủy ban Kế hoạch bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của tỉnh Long An năm 1976-1980. Đồng thời thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao khác về công tác kế hoạch hóa tập trung thời bấy giờ. Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác kế hoạch lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xác lập quyền làm chủ của nhân dân lao động, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, khôi phục và phát triển sản xuất song song với việc xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật chủ yếu của chủ nghĩa xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân lao động. Sau 5 năm, tỉnh Long An đã đạt được cơ bản các mục tiêu đề ra, trong đó: Việc tái định canh, định cư, khai hoang, phục hóa sau chiến tranh đã hoàn thành cơ bản; sản lượng lương thực và giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh, tạo tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm tiếp theo (1981-1985) đã được Đại hội tỉnh Đảng bộ thông qua và chỉ đạo thực hiện thắng lợi. Cũng trong thời gian này tỉnh đã xây dựng "Tổng sơ đồ phân bổ và phát triển lực lượng sản xuất của tỉnh giai đoạn 1986-2000" mà như tên gọi vẫn nằm trong trong khuôn khổ kế hoạch bao cấp.

Sau 5 năm đổi mới, tỉnh đã tổ chức nghiên cứu xây dựng "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 1991-2000 và 2001-2010"; đồng thời các ngành, các huyện, thành phố, các thị trấn và một số xã cũng đã xây dựng quy hoạch làm cơ sở cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch 5 năm và hàng năm đáp ứng ứng nhu cầu đổi mới. Cụ thể trong giai đoạn 2006-2010 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,8% (KH 13,5-14%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 42,7% năm 2005 xuống còn 37,1% năm 2010; công nghiệp-xây dựng tăng từ 27,5% năm 2005 lên 33,2% năm 2010; thương mại-dịch vụ giảm từ 29,8% năm 2005 còn 29,7% năm 2010. GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 23,2 triệu đồng (tăng 14,9 triệu đồng so với năm 2005).

Bước sang kế hoạch 5 năm 2011-2015, gắn với xu hướng phát triển mạnh của nền kinh tế của tỉnh và của cả nước, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cần phát huy cao độ hơn nữa tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng ngành kế hoạch và đầu tư ngày càng phát triển vững mạnh, tiếp tục đổi mới phù hợp yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới của tỉnh và đất nước. Toàn thể cán bộ đảng viên, công chức, viên chức ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cần tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là khẩn trương triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011- 2015.

Hai là tham mưu điều hành thực hiện kế hoạch theo hướng linh hoạt, chủ động, sáng tạo. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phù hợp yêu cầu thực tiễn, đáp ứng sự phát triển của từng giai đoạn, làm định hướng phát triển cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội và các thành phần kinh tế theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Ba là chú trọng huy động và quản lý vốn đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư, khai thác mọi tiềm năng và nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bốn là tập trung cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, đăng ký doanh nghiệp, … Đổi mới phong cách làm việc theo yêu cầu văn minh công sở.

Năm là thường xuyên củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, cán bộ ngành Kế hoạch và Đầu tư từ tỉnh đến các huyện, thành phố: kiện toàn các phòng ban và đội ngũ cán bộ trong Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An; phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố củng cố và kiện toàn các phòng Tài chính – kế hoạch, các Ban quản lý dự án. Tiếp tục quan hệ hợp tác chặt chẽ với ngành Kế hoạch và Đầu tư của các địa phương trong cả nước.

Ngoài các nhiệm vụ chủ yếu trên, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên: đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá đầu tư, thực hiện kế hoạch; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách huy động và phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./. 

 

THÔNG BÁO
BÌNH CHỌN
Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ Một Cửa
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 0
    • Hôm nay: 1
    • Trong tuần: 0
    • Tất cả: 0