Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020: kết quả và bài học kinh nghiệm
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010. Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình nhằm: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chương trình cũng đề ra mục tiêu cụ thể như: đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới và năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Từ khi triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Trên cơ sở chỉ tiêu xây dựng NTM của Đại hội Đảng bộ Tỉnh và HĐND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tích cực triển khai thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều cuộc vận động, phong trào thiết thực, góp phần tích cực cho xây dựng NTM; các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, qua đó nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM đã có sự thay đổi rõ dệt, phong trào xây dựng NTM tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số thành tựu, đó là:

- Làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn;  có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực sự là tiềm năng, thế mạnh của đất nước.

- Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng NTM" đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi cả nước. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Duonghoa_BacHoa.gif
 Tuyến đường tại xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp

- Chương trình đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn từ 15,6 triệu đồng năm 2010 lên 45 triệu đồng hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,52 % (7.183 hộ nghèo/471.336 hộ dân); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 2,71% (12.762 hộ cận nghèo/471.336 hộ dân), khoảng cách phát triển giữa nông thôn – đô thị từng bước được thu hẹp.

Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh đã xác định được 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng suất, giá trị các sản phẩm nông nghiệp ổn định, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai thực hiện; công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được tăng cường, việc giám sát chuỗi sản phẩm an toàn được thực hiện bước đầu có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Hợp tác xã ngày càng phát huy vai trò liên kết hộ nông dân với nhau và kết nối giữa nông thôn với doanh nghiệp. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 188 HTX nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai, phấn đấu có 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 8 - 10 sản phẩm được đánh giá xếp hạng đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên.

- Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 55.342,4 tỷ đồng để thực hiện chương trình, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 1.082,1 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp 563 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn 4.423,4 tỷ đồng, vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế 314,4 tỷ đồng, vốn huy động cộng đồng dân cư 736,3 tỷ đồng, vốn tín dụng 48.223,1 tỷ đồng.

Qua các năm triển khai, Chương trình NTM là chương trình duy nhất đã hình thành được hệ thống bộ máy chỉ đạo, điều hành, quản lý, triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM các cấp được thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn nên đã kịp thời chỉ đạo, điều hành thực hiện xây dựng NTM xuyên suốt từ tỉnh đến ấp. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và 15 đơn vị cấp huyện đã được thành lập; toàn bộ các xã đề bố trí công chức địa chính-nông nghiệp-xây dựng và môi trường để phụ trách, theo dõi xây dựng NTM.

Hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ thực hiện Chương trình ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã ban hành 33 văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình. Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, như: Chính sách hỗ trợ cơ giới hóa; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển trạm bơm điện vừa và nhỏ ở khu vực Đồng Tháp Mười. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh triển khai thực hiện và tạo nền tảng vững chắc và là đòn bẩy để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới.

Đến nay số xã được công nhận đạt chuẩn NTM trên toàn tỉnh là 88 xã đạt 19/19 tiêu chí. Số huyện được công nhận đạt chuẩn NTM 01 huyện (Châu Thành). Riêng thành phố Tân An đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương thẩm định.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Chương trình NTM vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của một số nông sản hàng hóa chưa cao; sản xuất nông nghiệp ở một số nơi còn tự phát, hiệu quả thấp, cơ sở chế biến nông sản chưa gắn kết chặt với vùng nguyên liệu, việc quản lý chất lượng nông sản hàng hóa vẫn còn bất cập.

- Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

- Môi trường nông thôn tuy được quan tâm nhưng chưa thực sự chuyển biến rõ nét, vẫn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, nhất là xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, chất thải của các khu công nghiệp. Đa số chất thải rắn chưa được thu gom xử lý triệt để, nước thải nông thôn chưa được thu gom làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước.

- Việc huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn. Vốn ngân sách nhà nước đầu tư còn thấp so với nhu cầu, vốn huy động trong nhân dân có nơi chưa tương xứng với tiềm năng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số nơi nhanh xuống cấp, nhất là các xã thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, dân số cơ học tăng nhanh tạo áp lực lớn đối với trường học, giao thông, môi trường và an toàn thực phẩm.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do xuất phát điểm của một số huyện còn thấp, nhất là các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn mặn, sạt lở, dịch bệnh... còn diễn biến khó lường. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến xây dựng NTM. Một số nơi vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ làm công tác xây dựng NTM của một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện Chương trình.

Từ những thành tựu và tồn tại trên từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 đã có những kinh nghiệm được rút ra như sau:

- Thứ nhất, công tác chỉ đạo, điều hành cần được quan tâm, đặc biệt là công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ việc tuyên truyền được chú trọng nên đã hình thành phong trào hành động ở địa phương, huy động được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM.

- Thứ hai, vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu là yếu tố then chốt để đạt kết quả xây dựng NTM ở địa phương. Trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện cần xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể và phân công rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành.

- Thứ ba, phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của người dân, tính gương mẫu, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên. Điều này quyết định đến sự thành công của xây dựng NTM ở địa phương.

- Thứ tư, tiếp cận Chương trình MTQG xây dựng NTM phải từ cơ sở, từ nhu cầu thiết thực của người dân và sự phát triển của địa phương. Thường xuyên bám sát thực tiễn, sơ kết, tổng kết để kịp thời chỉ đạo, điều hành.

Tiêu Mạnh Vĩnh

Tiêu Mạnh Vĩnh
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1