Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017
Năm 2017, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành đã nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện các nhiệm vụ đề ra và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân nên tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 đã đạt được kết quả quan trọng sau: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2017 đạt 70.319 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng đạt kế hoạch đề ra là 9,53%; trong đó, khu vực I (nông, lâm, ngư nghiệp) đạt mức tăng trưởng 1,19% (kế hoạch 1,5%); khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng trên 15,83% (kế hoạch 13,5%); khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 6,96% (kế hoạch 8%). GRDP bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, cụ thể: Khu vực I chiếm tỷ trọng 18,6% (giảm 1,8% so cùng kỳ), khu vực II chiếm 44,3% (tăng 2,3%), khu vực III chiếm 37,1% (giảm 0,5%).

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tập trung chỉ đạo chặt chẽ, đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được UBND tỉnh ban hành; tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các vùng sản xuất trọng điểm, vùng chuyên canh; đồng thời tăng cường thực hiện quyết liệt công tác triển khai, quán triệt thực hiện Chương trình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận; nhận thức của nông dân về phương thức sản xuất mới được nâng lên; đồng thời tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế các huyện, thị xã, thành phố nhằm đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi được kiểm soát, không xảy ra dịch trên diện rộng. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đối phó với tình hình lũ lụt đến sớm năm 2017, kết quả thiệt hại lũ, lụt được hạn chế đến mức thấp nhất. Tích cực phối hợp tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp xây dựng Đề án phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. 

Tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tăng trưởng khá, nhiều nhóm ngành công nghiệp chủ lực phát triển tốt; góp phần quan trọng tăng trưởng khu vực II là 15,83% (kế hoạch 13,5%). Nhiều ngành công nghiệp chủ lực phát triển ổn định, sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao so với mức tăng cùng kỳ; thị trường tiêu thụ nội tỉnh ổn định. Công tác xúc tiến thương mại kết nối cung cầu với các doanh nghiệp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh được đẩy mạnh, góp phần tiêu thụ nông sản của tỉnh, nhất là chú trọng tiêu thụ hàng hóa nông sản VietGAP, nông sản an toàn. Công tác xúc tiến đầu tư được tập trung thực hiện; tỉnh đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, các công ty hạ tầng để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư được quan tâm nên có nhiều tiến bộ. Công tác rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai được thực hiện quyết liệt; đã hoàn thành công tác rà soát lập quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về tiếp nhận đầu tư; các ngành, UBND các cấp tiếp tục thực hiện, nâng cao các chỉ số cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với cải cách hành chính. Việc tổ chức, thực hiện liên kết phát triển kinh tế - xã hội với Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là liên kết tiêu thụ nông sản và phát triển hạ tầng giao thông. Trung tâm hành chính công ngày càng hoạt động hiệu quả. Công tác xúc tiến du lịch được quan tâm, thu hút khách tham quan du lịch tăng; các khu di tích tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động như ở Tân Thạnh, Đức Huệ.

Đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo thực hiện ngay từ đầu năm, khối lượng thực hiện và giải ngân đạt khá; các công trình trọng điểm và chương trình đột phá của tỉnh được quan tâm chỉ đạo. Tiếp tục giám sát các điểm đen, điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra, khiểm soát thị trường được thực hiện thường xuyên, xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Công tác quản lý điều hành ngân sách được tập trung chỉ đạo, tiến độ thu đạt khá, chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm. Hoạt động các tổ chức tín dụng trên địa bàn ổn định, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát. Các hoạt động văn hóa, xã hội được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực.

(*) Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh vẫn còn tồn tại khó khăn, vướng mắc:

Một số nông sản hiệu quả đầu ra thấp, sức cạnh tranh hạn chế; thời tiết, khí hậu, thủy văn bất lợi. Tiến độ thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp có mặt còn chậm như công tác thông tin tuyền truyền; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, đoàn thể. Việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Việc xây dựng cánh đồng lớn còn gặp nhiều khó khăn; liên kết tiêu thụ nông sản được tập trung chỉ đạo nhưng kết quả đạt được chưa cao. 

Thu hút đầu tư còn hạn chế; tỷ lệ lấp đầy khu cụm công nghiệp còn thấp; số dự án đã tiếp nhận chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Công tác lập, thực hiện các loại hình quy hoạch chưa đồng bộ; các loại hình quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa gắn với quy hoạch sử dụng đất, hầu hết các dự án đầu tư đều phải chờ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Vướng mắc đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư được tập trung thực hiện đạt nhiều kết quả nhưng cần quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Công tác quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ, kiểm soát ô nhiễm môi trường có tập trung thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao.

Tiến độ thực hiện 02 chương trình đột phá và 03 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh có mặt còn chậm, chưa đạt yêu cầu tiến độ. Việc triển khai thực hiện các nội dung hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh trên một số lĩnh vực còn chậm. Công tác cải cách hành chính tuy có nhiều tiến độ nhưng có mặt còn hạn chế: Giải quyết thủ tục, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp còn trễ hạn; cơ chế một cửa liên thông phải tiếp tục cải tiến để giải quyết nhanh hơn, hạn chế sự chờ đợi và đi lại của doanh nghiệp, nhân dân.

Chất lượng giáo dục toàn diện còn hạn chế, thiếu mô hình giáo dục hiệu quả. Tình trạng bệnh viện tuyến tỉnh quá tải vẫn còn, hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa chưa cao. An toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát tốt, ngộ độc thực phẩm còn xảy ra. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn; đào tạo nghề nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh thoát nghèo chưa mang lại hiệu quả thiết thực; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.

Trật tự an toàn xã hội có mặt chưa đảm bảo; tình trạng trộm cắp, cướp giật, băng nhóm gây rối có nơi chưa được phát hiện, ngăn chặn hiệu quả. Số vụ tai nạn giao thông còn ở mức cao. Buôn lậu qua biên giới có lúc chưa được ngăn chặn, kiểm soát tốt.

(*) Nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên trong đó có nguyên nhân chủ quan: Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, hành động chưa quyết liệt và còn lúng túng nên một số vụ việc giải quyết chậm, kéo dài, chất lượng chưa đạt yêu cầu; trong thực hiện nhiệm vụ thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa ngành với ngành, giữa ngành với địa phương để giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân./.

Hồ Hoàng Lâm Vũ

Hồ Hoàng Lâm Vũ
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1