Chỉ thị số 2517 /CT-UBND ngày 11/8/2022 của UBND tỉnh Về Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, gần đây các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội trong cả nước. Để tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành ph tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh: Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 05/10/2017 về thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 27/4/2020 về hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch hành động số 127/KH-UBND ngày 02/6/2020 về phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Long An, Kế hoạch số 539/KH-UBND ngày 22/02/2021 về triển khai thực hiện Nghị Quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tiếp tục tuyên truyền phổ biến Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, kỹ năng phòng tránh xâm hại, phòng tránh đuối nước, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho người dân, trẻ em tại cộng đồng và tập trung vào các khu vực nhà trọ, vùng sâu, vùng xa...

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai theo thẩm quyền việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tập trung cho công tác phòng, chống trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Phối hợp liên ngành trong việc tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các lớp nói chuyện chuyên đề cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ biết các kỹ năng giáo dục để trẻ em biết bảo vệ bản thân, phòng tránh bị bạo lực và xâm hại tình dục; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

- Tăng cường truyền thông Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số điện thoại 111) và đường dây tư vấn, giải đáp thắc mắc liên quan đến trẻ em, tiếp nhận thông tin, tố giác việc xâm hại trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (0272.3513663) để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.

- Tăng cường công tác tranh tra, kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo công an các cấp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Hướng dẫn công an các cấp quy trình, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; các biện pháp điều tra thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục; nâng cao năng lực, kỹ năng cho lực lượng công an các cấp về điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục lồng ghép nội dung giảng dạy kỹ năng phòng tránh, tự bảo vệ bản thân qua các môn học, hoạt động giáo dục trong nhà trường và hoạt động ngoại khóa để giảm thiểu tối đa tình trạng xâm hại trẻ em; rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chủ động phát hiện các trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc xử lý, điều tra, bảo vệ trẻ em.

- Đảm bảo 100% học sinh tiểu học, trung học cơ sở được học về kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em.

5. Sở Y tế

- Chỉ đạo tăng cường công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giám định pháp y cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục bảo đảm nhanh chóng, kịp thời.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; hướng dẫn các hộ gia đình những kiến thức pháp luật về gia đình và trẻ em, các kỹ năng bảo vệ trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; vận động người dân trong địa bàn khi phát hiện cần thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông, thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên  truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em theo tài liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp.

8. Sở Tài chính

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí đảm bảo phục vụ triển khai tốt công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

9. UBND các huyện, thị xã và thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương; triển khai thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn có liên quan, ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

- Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

- Chỉ đạo UBND cấp xã thiết lập đầu mối thông tin, thông báo, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; chủ động thông báo, phối hợp với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111) trong việc tư vấn, can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.

10. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh

Chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh các đoàn thể tỉnh tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.

Theo chỉ đạo trên, yêu cầu sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định./.

2517_CT-UBND_11-08-2022_CHI THI TRE EM.signed.pdf

Ban Biên tập


Ban biên tập
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1