Rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân
Căn cứ Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Công văn số 2425/LĐTBXH-BTXH ngày 11/7/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân. Để đảm bảo thực hiện tốt việc rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân, sẵn sàng phối hợp giữa các ngành, các cấp, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan trong chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thiệt hại tính mạng, trợ giúp khẩn cấp các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 7387/UBND-VHXH ngày 11/8/2022 yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nội dung sau:

1. Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai. Đồng thời, huy động lực lượng tổ chức trực ban nghiêm túc, chặt chẽ để kịp thời theo dõi, nắm bắt diễn biến từng loại hình thời tiết, thiên tai; tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai, đặt biệt là các hoạt động lồng ghép hỗ trợ hòa nhập cho người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác. Theo dõi, tổng hợp tình hình thiệt hại về người chết, người mất tích, người bị thương, thiệt hại về tài sản: nhà sập, trôi, cháy, hư hỏng và tình hình thiếu lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt; kịp thời hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; ưu tiên nhóm đối tượng là người có công, gia đình chính sách, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và các đối tượng trợ giúp xã hội khác.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy lợi phù hợp với tình hình diễn biến mưa lũ, triều cường nhằm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng người dân trên địa bàn tỉnh.

4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, huy động lực lượng trực ban, phương tiện, trang thiết bị sẵn có tại địa phương để cùng tham gia ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực xảy ra thiên tai khi có yêu cầu.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thực tế, đảm bảo độ tin cậy, chính xác đến từng địa phương; đồng thời, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để kịp thời đăng tải, đưa tin lên website phòng, chống thiên tai; hệ thống tin nhắn SMS, email... gửi đến các cấp, các ngành và Nhân dân biết, chủ động ứng phó có hiệu quả. 

6. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, kiểm tra an toàn các tuyến quốc lộ, bến cảng, bến phà... kiểm soát phương tiện lưu thông an toàn trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn kết hợp nước lũ, triều cường lên cao gây ngập lụt.

7. Sở Y tế phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và dự phòng ngân sách hàng năm cho khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách khác, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân theo khả năng cân đối ngân sách.

9. Sở Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các cấp chính quyền và người dân; thông tin chính xác, kịp thời về tình hình, diễn biến thiên tai, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Kiên cố hóa hệ thống thông tin liên lạc tại khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai, ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc tại vùng sâu, vùng biên giới... Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai, đảm bảo tính chính xác, kịp thời và hiệu quả.

10. Sở Xây dựng đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo xây dựng phòng, tránh bão, lụt ở các cụm tuyến dân cư vượt lũ, mô hình nhà ở an toàn, phù hợp. Đôn đốc rà soát, điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng công trình bảo đảm an toàn trong thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn.

11. Sở Công Thương chỉ đạo kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thuộc lĩnh vực quản lý trước mùa mưa lũ. Chỉ đạo dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhất là tại khu vực trũng vùng Đồng Tháp Mười; thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ, bình ổn giá khi thiên tai xảy ra.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống thiên tai vào giảng dạy trong nhà trường; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về phòng, chống thiên tai; phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai trong trường học, nhất là giáo dục phổ thông.

13. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tăng cường công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung các phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, phát huy tối đa phương châm "4 tại chỗ", nhất là phải chủ động xây dựng phương án đảm bảo di dời, sơ tán dân an toàn trong điều kiện thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động tuần tra, kiểm tra đê bao, bờ bao, công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, kiểm tra tại những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, khu vực trọng điểm, xung yếu, sạt lở đất, ngập lụt… để sớm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều, đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ.

- Tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sửa chữa, gia cố, vận hành hệ thống trạm bơm tiêu úng cho các khu đê bao, phòng, chống triều cường, bảo vệ sản xuất và dân sinh, đảm bảo hoạt động thường xuyên, ổn định.

14. Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh Long An thực hiện tốt công tác truyền thông, tăng cường đưa tin về các hoạt động phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là tại cơ sở để phổ biến thông tin về tình hình thiên tai đến tận người dân để phối hợp phòng, chống, ứng phó hiệu quả.

Theo chỉ đạo trên, yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Báo cáo tình hình thiệt hại, kết quả hỗ trợ sau mỗi đợt thiên tai gửi về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy, email: vppcttla@longan.gov.vn), đồng thời gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, email: btxhlongan@gmail.com để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và UBND tỉnh theo quy định./.

7387_UBND-VHXH_11-08-2022_CV UBND tỉnh về phòng chống thiên tai.signed.pdf


Ban biên tập
THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1